Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

NGÀNH QUẢN TRỊ VĂN PHÒNG
 
* Mục đích mở ngành học:

Các-Mác từng nói “Mỗi một dàn nhạc cần phải có một nhạc trưởng”. Sinh viên tốt nghiệp cao đẳng Quản trị văn phòng là người được đào tạo không chỉ làm được “nhạc trưởng” để quản lí và lãnh đạo văn phòng mà còn có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ như các “nhạc công” để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trong công tác văn phòng ở các cơ quan.
Văn phòng - nhân viên - nhà quản lí (quản trị) văn phòng không thể thiếu ở bất cứ cơ quan nào. Vì vậy sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị văn phòng đang có rất nhiều cơ hội tìm việc làm.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế và năng lực đáp ứng của Nhà trường, năm 2005, Trường Cao đẳng Văn thư Lưu trữ Trung ương I (nay là Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội) đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho mở ngành đào tạo cao đẳng ngành Quản trị văn phòng hệ chính quy. Đây là cơ sở đầu tiên trong cả nước đào tạo chuyên ngành này ở bậc cao đẳng.

* Mục tiêu đào tạo:

Ngành Quản trị văn phòng được xây dựng dựa trên nhu cầu của xã hội nhằm cung cấp nguồn nhân lực có chuyên môn, trình độ về Quản trị văn phòng bậc cao đẳng cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương.
Sinh viên sẽ được học các học phần để có trình độ, năng lực:
+ Quản lí, triển khai, hướng dẫn và áp dụng các kĩ thuật nghiệp vụ văn phòng:
Các kĩ năng làm việc và các biện pháp có tính công nghệ được áp dụng trong việc tổ chức hoạt động, điều hành và quản lí văn phòng để giải quyết các công việc liên quan đến công tác quản lí, điều hành của các cơ quan, tổ chức nói chung và của văn phòng nói riêng.
+ Thực hiện thành thạo các kĩ thuật nghiệp vụ hành chính:
Kĩ thuật tham mưu, tổng hợp và cung cấp thông tin phục vụ cho hoạt động quản lí; kĩ thuật soạn thảo văn bản; kĩ thuật tổ chức bảo quản, quản lí văn bản và khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn thông tin phục vụ cho cơ quan và lãnh đạo; kĩ năng giao tiếp nơi công sở; phương pháp tổ chức các hoạt động, bố trí sắp xếp các công việc và cải tiến lề lối làm việc trong văn phòng; phương pháp kiểm tra, đánh giá, điều hành các hoạt động của cấp dưới thuộc thẩm quyền.
+ Ứng dụng và sử dụng thành thạo các thiết bị văn phòng hiện đại; các chương trình phần mềm tin học thông dụng trong trao đổi thông tin nghiệp vụ, quản lí văn bản, soạn thảo văn bản và bảo mật thông tin.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét