Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011

Đều Hành tour.

Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có thể hiểu là việc xây dựng, tiếp thị, quảng bá, bán và thực hiện các chương trình du lịch (đã bán) mà trong nghề thường gọi là các tour. Nói cách khác, làm du lịch là tổ chức các dịch vụ phục vụ những nhu cầu du lịch của khách như: đi lại, ăn ở, vui chơi, nghỉ ngơi, thăm viếng, tham quan, khám phá, thử thách v.v... Ngoài ra, trong ngành này còn có nhiều công việc đa dạng như chăm sóc khách hàng, thông tin du lịch, xây dựng chương trình du lịch, bán hàng lưu niệm, chăm sóc sức khỏe, tổ chức vui chơi giải trí, giáo dục môi trường du lịch, bảo trì, nghiên cứu về du lịch, giảng dạy trong các cơ sở đào tạo du lịch v.v...
  Vai trò của ngành du lịch trong nền kinh tế

Du lịch là ngày càng có vai trò quan trọng tại Việt Nam. Các dự án đầu tư vào bất động sản du lịch dọc theo bờ biển hơn 3.000 km và tại và các thành phố lớn đang gia tăng nhanh chóng. Dịch vụ du lịch ngày càng đa dạng. Công ty lữ hành địa phương và quốc tế cung cấp các tour du lịch tham quan các bản làng dân tộc thiểu số, đi bộ và tour du lịch xe đạp, đi thuyền kayak và du lịch ra nước ngoài cho du khách Việt Nam, đặc biệt là gắn kết với các quốc gia láng giềng Campuchia, Lào và Thái Lan...là nét Văn hóa du lich.

Nền kinh tế Việt Nam đang chuyển đổi từ nông nghiệp sang nền kinh tế dịch vụ. Trong khi đó, du lịch đóng góp 4,5% trong tổng sản phẩm quốc nội (thời điểm 2007). Ngày càng có nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào ngành du lịch. Sau các ngành công nghiệp nặng và phát triển đô thị, đầu tư nước ngoài hầu hết đã được tập trung vào du lịch, đặc biệt là trong các dự án khách sạn.

Tương lai trong hệ thống ngành nghề

Ở nhiều nước trên thế giới, ngành du lịch đã có lịch sử hàng trăm năm. Song ở Việt Nam, đây còn là lĩnh vực mới mẻ, đầy tiềm năng và đang phát triển rất mạnh. Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Nước ta đang chú trọng phát triển và mở rộng kinh tế du lịch, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Với Việt Nam, việc làm du lịch là một ngành còn khá mới mẻ và đang thiếu nhân lực nên bạn sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn một số ngành nghề khác. Tức là, cơ hội việc làm du lịch mang lại rất lớn với thu nhập tương đối cao và ổn định.


Ngoài ra, tiềm năng du lịch của Việt Nam rất lớn. Hầu như địa phương, tỉnh thành nào cũng có vài ba địa điểm du lịch nổi bật. Tính đến tháng 8/2010, Việt Nam có hơn 40.000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 3000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia và hơn 5000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, có 6 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới, có 30 vườn quốc gia, 400 nguồn nước nóng từ 40-150 độ.
  Việt Nam đứng thứ 27 trong số 156 quốc gia có biển trên thế giới với 125 bãi tắm biển, hầu hết là các bãi tắm đẹp. Việt Nam là 1/12 quốc gia có vịnh đẹp nhất thế giới là vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang. Việt Nam có 117 bảo tàng trong đó các bộ, ngành quản lý 38, các địa phương quản lý 79.

Hai bảo tàng lịch sử mang tính quốc gia là Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng lịch sử Việt Nam hiện đang đề xuất thêm Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ngoài ra, Việt Nam hiện có 21 khu du lịch quốc gia là những trọng điểm để đầu tư thúc đẩy phát triển du lịch.
  Phẩm chất và kỹ năng cần thiết của người làm nghề du lịch:
- Có duyên nghề: tác phong linh hoạt, tươi tắn, thân thiện, thái độ giúp đỡ, quan tâm, kiến thức vững vàng, ứng xử thông minh, khéo léo. 
- Nhạy cảm, tâm lý, quan tâm đến mọi người, biết lắng nghe 
- Lợi ngôn, khả năng giao tiếp tốt, truyền đạt hiệu quả
- Óc tổ chức tốt, chủ động và độc lập 
- Giao tiếp ngoại ngữ thành thạo 
Người quản lý và điều hành du lịch thường làm việc tại văn phòng, bên chiếc máy vi tính và điện thoại, kết nối các mối quan hệ, lên mô hình và điều phối nhân viên dưới quyền sao cho đảm bảo phục vụ các tour du lịch tốt nhất cho khách hàng.  

Người làm du lịch có thể công tác tại các công ty du lịch lớn nhỏ, trung tâm lữ hành, khách sạn hay các cơ sở dịch vụ du lịch có bộ phận bán và thực hiện các chương trình du lịch. Họ còn có mặt trong các đơn vị quản lý, khai thác tài nguyên du lịch với tư cách là hướng dẫn viên du lịch địa phương, hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Đó là chưa kể nhân viên văn phòng đại diện của công ty du lịch hoặc hướng dẫn viên thường xuyên đưa khách đi du lịch nước ngoài, đến những châu lục, quốc gia xa tít tắp..

Ngoài ra, còn có những người làm việc ở các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch như Tổng cục Du lịch, các Sở Du lịch, Sở Du lịch Thương mại hay Sở Thương mại Du lịch các tỉnh. Một số người công tác trong các cơ sở nghiên cứu, thông tin, xúc tiến du lịch. Có những người sau khi học tập rèn luyện tốt được tuyển dụng vào làm việc trong các cơ sở đào tạo về du lịch.


Cơ hội việc làm và triển vọng
   
Làm du lịch, bạn sẽ có cơ hội đi nhiều nơi, có điều kiện được học hỏi, tìm hiểu và khám phá nhiều điều mới lạ. Bạn cũng sẽ được thưởng thức đặc sản của rất nhiều vùng miền. Được ngao du thiên hạ, mở rộng không gian văn hoá, theo thời gian, bạn sẽ có kinh nghiệm và vốn sống vô cùng phong phú. Bạn sẽ là một sứ giả thiện chí, giới thiệu với khách du lịch về đất nước Việt Nam tươi đẹp, thân thiện và hiếu khách. Nếu bạn thích thú với việc tìm hiểu, khám phá cuộc sống, nghề du lịch sẽ mở ra trước mắt bạn cả một thế giới rộng mở, để bạn thường xuyên tiếp cận, trau dồi và cập nhật thông tin.

Tìm việc làm du lịch, bạn sẽ được làm quen và kết bạn với những con người từ nhiều vùng đất, với nhiều quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, có cá tính và sở thích khác nhau. Tìm hiểu, khám phá một con người cũng chính là khám phá một tiểu văn hoá mới. Qua đó, mỗi con người có thể xích lại gần nhau, học hỏi lẫn nhau. Nghề du lịch có khả năng làm trẻ hoá tâm hồn chính nhờ sự luôn mới mẻ ấy. Nói cách khác, du lịch là nghề nghiệp tạo nên sự hài hoà cho các mối quan hệ của con người.

Không chỉ nâng cao khả năng giao tiếp, nghề nghiệp này còn giúp bạn rèn luyện nhiều kỹ năng khác trong cuộc sống và công việc. Đó là sự linh hoạt, năng động, nhanh nhẹn trong mọi tình huống. Đó là sự điềm tĩnh, chắc chắn và cẩn thận. Với nghề này, bạn sẽ tự tin hơn, có khả năng tổ chức, giải quyết công việc mau chóng và hiệu quả hơn. Du lịch còn là nghề nghiệp dạy cho ta biết cách “chịu đựng” để dễ dàng thích nghi với cuộc sống. Nghề nào cũng cần sự bồi dưỡng bản thân, nhưng để có thể thành công trong nghề du lịch, yêu cầu này càng trở nên cấp thiết và quan trọng.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét